Hot news :

Chè đậu đỏ ngày thất tịch: Không thoát ế thì thoát béo cũng được…

“Thất tịch đến rồi, ăn chè đậu đỏ để thoát ế thôi…” cứ đến ngày 7.7 âm lịch hàng năm là giới trẻ lại nhắn cho nhau những câu “kêu gọi hành động” như thế và cùng nhau “lùng sục”các địa chỉ bán chè đậu đỏ với hy vọng ĂN XONG HẾT Ế. Nhưng có một sự thật là, ăn chè xong “cờ – rút” chẳng thấy đâu mà còn chẳng ai ngó ngàng đến, ăn cả “chục nồi” rồi mà vẫn ế thâm niên. Vì sao thế nhỉ? Bảo ăn đậu đỏ là hết ế mà, sao lại thành ế hơn…

Đậu đỏ hay đậu tương tư?

Ngày lễ Thất Tịch hay còn gọi là Valentine Đông Á được diễn ra trong ngày 7.7 theo âm lịch mỗi năm. Truyền thuyết kể rằng hàng năm cứ đến ngày này, Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ được gặp nhau ở cầu Ô Thước. Nhiều người cho rằng ngày lễ Thất Tịch bắt nguồn từ Trung Quốc và loại đậu biểu trưng cho ngày này chính là đậu đỏ.
Thực tế việc dùng đậu đỏ chế biến và ăn trong ngày Thất Tịch không phải là tập tục của người Trung Quốc, cũng không phải là tập tục của Quốc gia nào trong ngày này cả. Loại đậu biểu trưng cho ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau có màu đỏ nhưng hạt bé, đó là hạt đậu tương tư chứ không phải là đậu đỏ như chúng ta đang nhắc đến nhiều.

Lễ Thất Tịch hay “ngày quốc tế đậu đỏ”?

Nếu không phải người Việt, lên facebook Việt trong những ngày này chắc chắn nhiều người sẽ tưởng chúng ta có ngày “quốc tế đậu đỏ”. Nào là những bức ảnh kể về một bữa “giải ế” của “cư dân mạng”, nào là gợi ý địa chỉ đi ăn các món đậu đỏ ngon… vô vàn những thông tin xoay quanh đậu đỏ.

Theo truyền thuyết ngày 7 tháng 7 âm lịch là ngày lễ Thất Tịch, ở Việt Nam lễ Thất Tịch thường được gọi là “Ngâu Ông Ngâu Bà” vì khi đến ngày này trời thường mưa ngâu, ông bà ta cho rằng đó là nước mắt hạnh phúc khi Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Đôi lứa yêu nhau ở Việt Nam thường đến chùa cầu tình duyên chứ không ăn chè đậu đỏ như hiện nay.
Còn với ngày lễ Thất Tịch của Trung Quốc, người ta cũng không sử dụng đậu đỏ, vì biểu trưng của nó chỉ có đậu tương tư. Đây là loại đậu có màu đỏ đặc trưng, rắn chắc, không dễ bị hư hại. Vào ngày này, người Trung Quốc sẽ kết hạt đậu tương tư thành vòng tay, dây đeo hoặc bỏ vào lọ thủy tinh để tặng đối phương. Với những cặp vợ chồng mới kết hôn thường để hạt đậu dưới gối với hy vọng hôn nhân luôn bền chặt, sắt son.
Đó là lý do vì sao có bạn ăn đến cả nồi chè đậu đỏ cũng không thoát ế được, “đậu tương tự” đâu có chế biến thành các món ăn như chúng ta làm với đậu đỏ đâu, ai lại đem “tương tự” đi nấu chín như vậy thì làm gì còn ai tương tư để thoát ế cơ chứ…

Không thoát ế thì thoát béo vậy nghen?

Chót ăn đậu đỏ rồi thì thôi, nếu không thoát ế được thì thoát béo cũng được, biết đâu hết béo, “dáng ngon” rồi lại có người yêu thì đậu đỏ lại linh nghiệm. Không là biểu trưng của ngày Thất Tịch nhưng đậu đỏ lại là 1 trong những nguyên liệu “cưng” của nhiều thực đơn giảm cân hiệu quả của nhiều người. Chúng ta vẫn có thể sử dụng đậu đỏ để “giải trừ béo” thay vì “giải ế”.
Lượng calo trong đậu đỏ không cao, trong 100g đậu đỏ chỉ chứa 127 kcal, loại đậu này còn chứa nhiều chất xơ, chất đạm, tinh bột, chất béo… giúp chúng ta nhanh có cảm giác no, cắt cơ thèm ăn nhanh chóng. Không chỉ vậy, trong loại đậu này còn chứa nhiều vitamin B12 có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, bổ máu rất tốt cho sức khỏe.
Trong ngày Thất Tịch, chọn 1 cốc chè đậu đỏ không đường nhiều nước không thoát ế biết đâu lại thoát béo thì cũng tốt chứ sao nhỉ?

Bình luận
Viết bình luận của bạn
Bình luận
Từ khóa