Hot news :

Những tựa sách hay truyền cảm hứng về lối sống tối giản và healthy

Trong cuộc sống hiện đại vô cùng bận rộn và nhiều áp lực như hiện nay, một lối sống tối giản, khoa học và healthy chắc chắc là một ý tưởng thú vị để bạn xây dựng chế độ dinh dưỡng thông minh, tìm được những niềm vui, tránh xa mọi cảm xúc tiêu cực. Những tựa sách dưới đây đều cái tên nổi bật trong ngành xuất bản, gây được nhiều tiếng vang trong lòng độc giả nhờ những giá trị khoa học, ý nghĩa tích cực, truyền cảm hứng cho phong cách sống lành mạnh, hạnh phúc, bảo vệ sức khỏe và làm đẹp cho tâm hồn của bạn.

Những tựa sách truyền cảm hứng về lối sống tối giản và healthy

Lối sống tối giản của người Nhật

Đây chắc chắn là một trong những tựa sách nổi tiếng nhất về phong cách sống tối giản, đơn giản hóa mọi việc của người Nhật. Theo tác giả Sasaki Fumio, lối sống tối giản chẳng hề có một tiêu chuẩn cụ thể và chi tiết. Lối sống tối giản cũng không phải mục tiêu sống, mà là phương tiện đặc biệt để từng bước, từng bước bạn nhận ra điều thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình.

Sau khi vứt bớt đồ đạc xung quanh mình, bạn sẽ nhận ra rằng bản thân mình không cần phải có trong tay một thành tựu gì cả, cũng không cần phải trở thành một nhân vật tầm cỡ nào đó. Chỉ cần làm những việc nhà hàng ngày, hoàn thiện lối sinh hoạt, nề nếp thôi là tôi đã cảm thấy yêu bản thân mình hơn và cảm nhận đầy đủ niềm vui trong cuộc sống. Nếu trở thành một người sống tối giản, biết bản thân cần gì, thì chúng ta sẽ không phải tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi.

“Lối sống tối giản của người Nhật:” – Sasaki Fumio

Quý cô tối giản

“Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu tiền – Điều quan trọng là bạn giữ và làm chúng sinh sôi nảy nở được bao nhiêu. Không quan trọng người khác muốn gì – Quan trọng là cách bạn sắp ếp cuộc sống của mình với những điều bản thân mong muốn.”, đó là một trong những câu quote đặc sắc nhất trong cuốn sách của tác giả Alex Tú.

So với cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật”, vốn được chắp bút bởi tác giả Nhật Bản, cuốn sách “Quý cô tối giản” gần gũi và dễ đồng cảm với độc giả Việt hơn rất nhiều. Bằng giọng văn thẳng thắn, Alex Tú định nghĩa, phân tích, đưa ra ví dụ và cách áp dụng lối sống tối giản vào 3 lĩnh vực: hữu hình – loại bỏ những vật dụng, đồ đạc không còn giá trị sử dụng; vô hình – dọn dẹp tâm trí, tự nhận thức mình là ai, mình ở đâu, mình cần gì ; trong những dịp đặc biệt – tìm ra dấu ấn cá nhân trong những sự kiện quan trọng của timline cuộc đời. Rất ngắn gọn và tường tận, tác giả tổng hợp và đưa ra được lợi ích rằng: sống tối giản trong 3 lĩnh vực này sẽ mở cho bạn những con đường dẫn đến một cuộc sống thịnh vượng cả về vật chất và tinh thần.

Quý cô tối giản – Alex Tú

Sổ Tay Động Lực – 66 Ngày Sống Healthy & Balanced

Đã qua rồi cái thời của lối sống YOLO (you only live once) khi con người sống liều lĩnh, bất cần, bây giờ là thời của phong cách sống Healthy & Balance  – lối sống hướng đến sự khỏe mạnh, cân bằng và tích cực. Đó là sự khỏe mạnh, cân bằng đến từ cả sức khỏe thể chất lẫn thói quen sinh hoạt, cách tư duy, lối sống và mối quan hệ xã hội mà cuốn sách “Sổ tay động lực – 66 ngày sống Healthy & Balance” đang hướng tới. Khác biệt hoàn toàn với YOLO, Healthy & Balanced không phải sống an toàn, rụt rè và giả tạo mà là một lối sống biết đủ, biết hài lòng, biết rời bỏ khỏi những thứ không mang lại giá trị tích cực cho cuộc sống và tìm về những điều tốt đẹp, hạnh phúc.

Không đao to búa lớn hay chỉ dẫn xa với, “Sổ Tay Động Lực – 66 Ngày Sống Healthy & Balance” vẽ nên một cuộc sống tươi mới và tích cực bắt đầu từ những điều vô cùng nhỏ nhặt: pha một ly sinh tố, đi dạo một vòng quanh công viên hay chỉ đơn giản là hít thở một cách chậm rãi… Những hành động tưởng chừng “vô dụng” ấy lại là những liều thuốc chữa lành những thương tổn, giúp bạn nhận ra những điều tích cực của cuộc sống và thay đổi con người bạn hoàn toàn.

66 ngày sống healthy and balance – Hồ Thu Hương (cố vấn nội dung)

 

Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim

Tác giả cuốn sách có tựa đề hấp dẫn trên là Shoukei Matsumoto là một nhà sư, tu hành tại ngôi chùa mang tên Komyo (Quang Minh) nằm tại thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản. Năm 2003, Shoukei Matsumoto gõ cánh cửa chùa Komyo, trở thành nhà sư thuộc phái Bản nguyên tự (Hongan-ji) của Tịnh độ chân tông. Một ngày của nhà sư bắt đầu từ việc dọn dẹp. Việc dọn dẹp đó không phải vì đã bẩn, cũng chẳng phải vì bừa bộn. Nó được tiến hành để loại bỏ những đám mây mù ẩn sâu trong trái tim, trong tâm hồn mỗi con người chúng ta.

Một lối sống đơn giản, trải qua quãng thời gian tìm thấy cái tôi chính trực. Từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc, sống với một trái tim hòa nhã và từ tốn. Việc đó có lẽ không chỉ cần thiết đối với nhà sư như thầy, mà đó còn là thái độ không thể thiếu với tất cả mọi người, những người đang tất bật ngược xuôi ở thế giới hiện tại.

Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim – Shoukei Matsumoto

Mình là cá, việc của mình là bơi

Người ta thường nói, sống trên đời 10 phần thì có đến 7,8 phần là gặp chuyện không như ý. Điều đó không sai. Ai trong đời cũng sẽ gặp những nghịch cảnh, những trắc trở và khó khăn chắn ngang con đường tìm đến thành công và hạnh phúc. Những khó khăn đó đôi khi có thể “quật ngã” con người, biến người ta trở nên yếu ớt vô lực và hoàn toàn buông xuôi. Nhưng nếu không cam tâm nhìn mọi nỗ lực trong quá khứ bay theo cơn gió thì phải làm sao? Muốn vươn lên khỏi nghịch cảnh thì phải làm như thế nào? Hãy đọc ngay cuốn “Mình là cá, việc của mình là bơi”.

“Mình là cá, việc của mình là bơi” không phải viết dựa hoàn toàn trên kinh nghiệm của Takeshi Furukawa, tác giả đã từng tham khảo, trò chuyện cùng các vận động viên, nhà kinh doanh, nghệ thuật gia, vĩ nhân trong lịch sử… Họ đều là những người có điểm chung trong việc chấp nhận, có thói quen suy nghĩ tích cực để đương đầu và vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để rồi tác giả đưa đến cho người đọc 9 thói quen để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, xây dựng lối sống hạnh phúc và khỏe mạnh cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.

Mình là cá, việc của mình là bơi – Takeshi Furukawa

Khi hơi thở hóa thinh không

Một tựa sách cực kỳ nổi tiếng, đong đầy những day dứt mà ai đã từng đọc qua đều cảm thấy rưng rưng đó là cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không” của bác sĩ Paul Kalanithi. Cuốn sách là lời tự sự trong suốt những năm tháng cuộc đời khi Kalanithi khi ông nỗ lực cố gắng từ một sinh viên Y khoa đến khi trở thành bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và cuối cùng trở thành bệnh nhân mang trong mình trọng bệnh.

Với khá nhiều người, “Khi hơi thở hóa thinh không” có thể khá ám ảnh khi nó nhắc đến sự sống và cái chết cận kề nhưng cuốn sách lại mang giá trị to lớn và đặc biệt. Không kể lể đau đớn, không đe dọa người đọc bằng những trường đoạn bệnh tật, bác sĩ Kalanathi chỉ đơn giản kể những câu chuyện trong hành trình cuộc đời của một con người. Con người đầy khát khao, đam mê và mãi mãi theo đuổi đam mê đó ngay cả khi sắp trút hơi thở cuối cùng.

Khi hơi thở hóa thinh không – Paul Kalanithi

Hãy cứ đọc trọn vẹn cuốn sách để rồi đi gấp lại, bạn sẽ thảng thốt nhận ra: bao nhiêu lâu nay mình đã làm gì? Mình đã thật sự yêu thương và chăm sóc sức khỏe của chính mình hay chưa? Câu chuyện của tác giả Pau Kalanithi buồn nhưng đẹp, một câu chuyện truyền cảm hứng và khơi gợi những giá trị tốt đẹp bên trong mỗi con người. Mãi mãi là vậy.

Bình luận
Viết bình luận của bạn
Bình luận
Từ khóa